Mời các bạn đọc các phần trước về về xây dựng kỷ luật cho trẻ không cần đến bạo lực ở đây:
1. Kỷ luật là gì theo góc nhìn của phương pháp giáo dục Steiner?
Trong phương pháp giáo dục Steiner, kỷ luật được hiểu là công cụ nhằm giúp cho trẻ nhận biết và định hướng được đâu là điều phù hợp, đúng đắn, kỷ luật được xây dựng nên nhằm mục đích:
- Bảo vệ trẻ phát triển lành mạnh, an toàn
- Giúp trẻ hoà hợp với môi trường xung quanh, có khả năng tương tác, phối hợp với những người khác trong xã hội
Sẽ là sai lầm, nếu chúng ta cho rằng kỷ luật là tạo ra những khuôn khổ, quy tắc theo tiêu chuẩn chủ quan của người lớn/người dẫn dắt và ép buộc trẻ phải thực hiện chúng để thoả mãn nhu cầu cá nhân của chúng ta, thay vì được tạo nên để hỗ trợ, bảo vệ trẻ. Thực tế, Steiner không dùng từ “kỷ luật”, ông gọi những cách thức hỗ trợ trẻ này là “xây dựng ranh giới”.

Hình ảnh bởi Scott Webb
1.1 – Một số những sai lầm phổ biến trong cách tư duy cũng như cách làm liên quan đến việc xây dựng kỷ luật cho trẻ:
- Dụ dỗ, thao túng tâm lý một cách tinh vi nhằm thôn tính đứa trẻ phải đi theo ý chí và nguyện vọng của người lớn (thay vì tôn trọng ý chí riêng của trẻ để hỗ trợ phù hợp).
=> Ví dụ: Nếu con ăn hết bát cơm này, mẹ sẽ cho con đi chơi công viên!
Trong tình huống này, người mẹ đơn giản là đang muốn con ăn hết bát cơm để thoả mãn cảm giác yên tâm của cá nhân mình, rằng con sẽ không bị đói, con sẽ phát triển khoẻ mạnh. Việc này dĩ nhiên cần thiết đối với đứa trẻ nhằm đảm bảo lớn lên khoẻ mạnh với đủ dưỡng chất. Tuy nhiên, để xây dựng thói quen ăn uống và giúp trẻ hiểu tầm quan trọng của việc ăn uống, người lớn cần dành nhiều thời gian quan sát và hướng dẫn trẻ. Việc tạo nên mô thức tư duy nếu con làm việc con không thích rồi con sẽ được thưởng bằng một việc khác mà con thích là nền tảng để hình thành nên một số tư tưởng độc hại trong tương lai. Rất có thể, sau này trẻ sẽ ở vào những tình huống cắn răng làm việc mình không muốn, thậm chí tổn hại đến thân thể, sức khoẻ của bản thân, để đổi lại được thoả mãn bằng một thứ gì đó mà trẻ cần, trẻ sẽ có xu hướng trở thành một người dễ bị thao túng bởi người khác. Bởi trẻ lớn lên với niềm tin rằng luôn phải “chịu đựng” hoặc cố làm một việc gì đó mình không thích, thì mới xứng đáng để có được một điều gì đó khác tốt đẹp. Tư tưởng “tôi chưa/không xứng đáng” rất có thể sẽ trở thành niềm tin cố hữu lớn lên bên trong đứa trẻ.
- Gieo rắc nỗi sợ: Nếu con không làm chuyện ABC thì con sẽ bị XYZ (trong đó XYZ có thể là một hậu quả kinh khủng nào đó bố mẹ hình dung, tưởng tượng được ra hoặc chính là hình phạt bố mẹ chủ động đưa ra nếu con không làm theo việc ABC)
Phần lớn chúng ta đều mong muốn con cái mình lớn lên sẽ trở thành những con người độc lập, tự tin, can đảm. Ấy thế nhưng gần như toàn bộ tuổi thơ, con lại được nuôi dưỡng bằng nỗi sợ, những lời doạ nạt. Nếu chúng ta muốn thu về quả dưa hấu, chúng ta cần gieo hạt giống và trồng cây dưa hấu chứ không phải cây chanh. Những nỗi sợ mà chúng ta gieo rắc, dùng để đe doạ, hù hoạ trẻ chính là hạt chanh, không phải hạt dưa hấu. Không thể nào có chuyện một em bé lớn lên với đủ lời hù doạ, đe doạ, sống trong tâm lý luôn sợ hãi, lo lắng lại có thể trở thành một con người vững vàng, độc lập, can đảm và tự tin được. Nếu có, rất có thể đó chỉ là sự giả tạo bên ngoài, cố gồng lên để tỏ ra mạnh mẽ, can đảm chứ không phải nội lực thực sự được xây dựng, hình thành qua nhiều năm tháng. Nhưng thường nghịch lý lại là ở chỗ, khi đứa bé ấy lớn lên trở thành một người lớn nhút nhát, kém tự tin thì bố mẹ sẽ trách móc rằng con mình thật chẳng ra sao, không tự tin, độc lập, can đảm được như những người khác! Chả hiểu nó giống ai mà lại như thế?
Hoặc, rất có thể trẻ vẫn lớn lên, vẫn có khả năng hành động, nhưng hầu như những gì trẻ làm sẽ đều đi từ nỗi sợ chứ không phải làm vì hứng thú hay tình yêu. Làm vì nỗi sợ về bản chất là sự mất kiểm soát trong tâm lý, bị nỗi sợ thao túng và dẫn dắt, nên thường dù có đem lại kết quả như mong muốn, thì cũng ít có khả năng nó giúp con người cảm thấy hạnh phúc, đủ đầy. Bản thân năng lượng của nỗi sợ là ở tầng thấp, nó dính với khổ đau. Trong khi năng lượng của tình yêu và niềm vui ở tầng cao, là trạng thái con người được tự do, giải phóng và hạnh phúc. Chúng ta làm một việc với mức năng lượng ở tầng nào thì sẽ tạo ra các sản phẩm/kết quả có chất lượng ở tầng năng lượng tương đương, và dĩ nhiên, tâm thế của chúng ta cũng tương ứng với mức năng lượng đó. (Bạn nào quan tâm có thể tìm đọc thêm về vấn đề này trong cuốn “Power vs Force” của tác giả David R.Hawkins).

1.2 – Tư duy đúng về kỷ luật theo góc nhìn Steiner:
- Cần xuất phát từ sự tin tưởng và tôn trọng trẻ => biểu hiện thông qua hành vi, lời nói, cử chỉ cho thấy sự tôn kính đối với trẻ. Để có được điều này, chúng ta cần phải học rất nhiều về bản chất và tâm lý của trẻ, hiểu được rằng trẻ vốn dĩ sinh ra với mức năng lượng ở tầng cao, có ý chí mạnh mẽ hơn nhiều người lớn chứ không phải là một cá thể vô tri, yếu kém. Chính sự thao túng, gài bẫy tinh vi có thể khiến con đi xa hơn khỏi chính mình, bởi dần dà trẻ cảm nhận được rằng nó không có được sự tin tưởng và tôn trọng từ bố mẹ/người dẫn dắt, và dĩ nhiên, nó cũng sẽ mất dần đi sự tin tưởng và tôn trọng ngược lại với bố mẹ.
- Sự tin tưởng + tôn kính vô điều kiện từ bố mẹ với trẻ sẽ giúp tạo ra uy quyền thực sự cho bố mẹ. (Để tìm hiểu thêm về điều này, các bố mẹ hoặc người dẫn dắt trẻ có thể tìm học khoá Gieo Chuyên Sâu và tìm đọc cuốn “Quyền lực đích thực” của thày Thích Nhất Hạnh). Khi trẻ cảm nhận được sự thiếu thật thà và tôn kính từ người dẫn dắt, trong trẻ sẽ hình thành tâm lý kháng cự và khi đó, rất khó để trẻ thực sự tin tưởng và làm theo những gì mà người lớn dẫn dắt.
=> ĐẶC BIỆT: Bố mẹ luôn cần QUAN SÁT lời nói, cử chỉ và hành vi của bản thân để tự quán chiếu, nhìn nhận lại xem: ĐIỀU ĐÓ CÓ PHẢI SỰ THẬT hay không? (vì bố mẹ/người lớn có xu hướng dán nhãn hành vi và kết luận vội vã trước 1 biểu hiện nhất thời của trẻ trong 1 tình huống cụ thể). Trước khi thiết lập ranh giới, bố mẹ/người lớn cần đặt mình vào vị thế + hoàn cảnh cụ thể của trẻ để cảm nhận và thấu hiểu trước đã.
=> Khi người lớn biết cách follow theo trẻ, trẻ sẽ follow theo bạn, để có được điều này, sự TIN TƯỞNG vẫn luôn là chìa khoá
=> Khi càng sống trong những khái niệm và quy tắc, con người càng dễ mất đi sự tin tưởng lẫn nhau.
Gợi ý: Để nhận ra SỰ THẬT, học cách quan sát, quát chiếu nhận ra những ảo tưởng của tâm trí, mọi người có thể tham khảo:
1. Các bài pháp thoại của thày Viên Minh trên trang Trung Tâm Hộ Tông:
2. Tham gia cộng đồng Như Là ở địa chỉ: – Tại đây có những video hướng dẫn thực hành miễn phí để bạn bắt đầu thực hành quan sát tâm và nhận ra mình đang mơ tầng nào để gỡ bỏ dần những ảo tưởng, đến gần và trực diện hơn với SỰ THẬT.
2. Làm thế nào để thiết lập kỷ luật cho trẻ?
ĐỂ THIẾT LẬP KỶ LUẬT CHO TRẺ, NGƯỜI LỚN CẦN:
- Sự ấm áp: Sự dẫn dắt có lực, đầy cảm hứng, có sự nhiệt thành, chất lửa bên trong để lan toả được đến trái tim trẻ một cách tự nhiên
- Sức sống: Trẻ phát triển theo chiều xoắn ốc, có giai đoạn thụt lùi để lấy đà hoặc có những giai đoạn khủng hoảng tâm lý lứa tuổi khiến trẻ dễ bị căng thẳng, chán nản => cần quan sát để nhận biết và dành cho con nhiều thời gian và sự kiên nhẫn hơn, điều này giúp trẻ có thêm sức sống để đi qua được trạng thái đó. Hãy cho cả con và mình thời gian, để cả 2 cùng có thể thở được, thoải mái và thả lỏng được. Trong kỷ luật cần tránh sự căng cứng, căng thẳng, cưỡng ép.
- Sự linh hoạt, sáng tạo: Đặt trẻ ở vị trí trung tâm để tư duy nhiều cách linh hoạt, sáng tạo nhằm hỗ trợ trẻ (thay vì áp đặt mong muốn xong việc của bản thân mà lờ đi nhu cầu của trẻ, hãy luôn tự hỏi bản thân: Điều gì thực sự quan trọng, con quan trọng hay những thứ râu ria tưởng chừng quan trọng ngoài kia? Kể cả khi có 1 việc thực sự quan trọng, trong lời nói giao tiếp với trẻ, chúng ta cần có một thái độ tôn kính, đúng mực để trẻ phối hợp cùng mình làm một điều gì đó)
- Sự tin tưởng: Cần có sự tin tưởng vào con để thiết lập được uy quyền đúng nghĩa.
- Tạo hình/tạo form cho một hành động/hành vi mà người dẫn dắt muốn trẻ thực hiện theo: VD: muốn con biết cách đi giày, người lớn cần tạo form bằng cách làm mẫu và có sự lặp đi lặp lại một cách kiên trì để trẻ quan sát được. Các bước tạo form cơ bản gồm:
+ Bước 1: Tạo mẫu – Cho con thấy làm như thế nào, trình tự các bước như thế nào, kiến tạo không gian và phương tiện thuận lợi cho con nhìn thấy. => Đòi hỏi năng lực tư duy của người lớn, người lớn phải có kỷ luật tự thân và tự tạo được form cho chính mình thì mới có thể xây dựng được ranh giới cho trẻ.
+ Bước 2: Lặp đi lặp lại hàng ngày, thống nhất trong mỗi lần làm. => việc này sẽ giúp tạo dấu ấn trong đi thể etheric body của trẻ (các việc lặp lại này cần sự đơn giản, nhất quán)
+ Bước 3: Trẻ tự làm được => thiết lập nên sự tự tin của trẻ => hình thành sức mạnh nội tại => Củng cố sức mạnh bản thể cho trẻ và trẻ tin rằng: Tôi đang hoà nhập được vào thế giới này.
Trên đây là phần lớn nội dung được mình tóm tắt từ bài học về Kỷ luật tự thân thuộc khoá học Gieo Chuyên Sâu dành cho bố mẹ và bất cứ ai quan tâm đến việc phát triển bản thân cũng như chăm sóc trẻ nhằm tạo ra những con người bình an, hạnh phúc, có nội lực mạnh mẽ trong tương lai. Nội dung bản quyền cũng thuộc về khoá học Gieo Chuyên Sâu.
Cá nhân mình đã từng tìm hiểu các phương pháp giáo dục, đọc nhiều sách về giáo dục cũng như có cơ hội làm việc với nhiều dự án giáo dục khác nhau từ năm 23 tuổi đến giờ. Mình nhận thấy khoá học Gieo Chuyên Sâu là một trong số những khoá học bổ ích, mức học phí cũng rất phải chăng. Nội dung chương trình toàn diện, sâu sắc và đặc biệt là có tính chỉ dẫn rất cao, giúp chúng ta dễ dàng áp dụng được vào thực tiễn cuộc sống NGAY LẬP TỨC. Dù bạn có con hay chưa, có ý định lập gia đình hay độc thân, mình vẫn thấy rằng khoá học này có thể giúp chúng ta cải thiện chất lượng cuộc sống rất nhiều, không chỉ là về cách tổ chức sắp xếp thời gian, không gian cho cuộc sống mà còn là cách quán chiếu, quan sát, kết nối bản thân để thật sự khám phá, phát triển chính mình. Bởi vì, để hiểu về chính mình, cách tốt nhất là hãy tìm hiểu quá trình hình thành, lớn lên của một đứa trẻ cũng như cách nuôi dưỡng nó, chúng ta sẽ review và liên hệ lại chính mình một cách sâu sắc trong toàn bộ quá trình học hỏi.
Để hiểu toàn diện, sâu sắc và chi tiết hơn, các bạn nên trực tiếp đăng ký tham gia khoá học. Mọi người có thể theo dõi và tìm thông tin các khoá học của Gieo tại đây. Ngoài khoá học Gieo Chuyên Sâu, nhóm Gieo còn có nhiều khoá học ngắn bổ ích khác như “Bên con bình an”, “Nghệ thuật ngôn từ”... và đặc biệt là các workshop online miễn phí với các chủ đề thú vị dành cho bố mẹ, người quan tâm đến việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ.
The post Xây dựng kỷ luật cho trẻ không cần đến bạo lực (Phần 3) appeared first on Phiêu Linh Blog.