Một ngày tháng 8, năm 2018, lũ trẻ lớp tôi quay trở lại trường mầm non sau 2 tháng nghỉ hè ngắn ngủi. Và chỉ có 2 tuần ngắn ngủi ấy thôi cũng đủ để phá vỡ nhịp điệu sinh hoạt mà các cô xây dựng cho các con trong suốt nhiều tháng trời. Giờ ngủ trưa là một ví dụ điển hình cho việc nhịp sinh hoạt gặp trúc trắc này.

Sau khi tôi kết thúc câu chuyện kể giờ trưa, tắt nến và mời lũ trẻ lấy chăn gối để đi ngủ, lũ trẻ bắt đầu đứng dậy nháo nhào đùa giỡn nhau. Chúng không đi ra phía tủ để lấy chăn gối mà túa đi khắp nơi trong phòng. Một trong số những đứa trẻ lớn hơn (khoảng 4 tuổi rưỡi) và có sức ảnh hưởng nhất định tới các bạn khác trong lớp bắt đầu bày trò rằng thay vì ngủ trưa thì mình lấy vải ra chơi. Đứa trẻ nhìn tôi – cô giáo của nó với ánh mắt đầy thách thức ngay khi tuyên bố trò này với các bạn.
Trong một phút, tôi bắt đầu thấy cơ mặt mình căng ra và trong người nóng dần lên. Tôi quan sát bản thân và thấy rằng tôi đang e sợ nếu lũ trẻ không đi ngủ đúng giờ, thì hẳn là chiều nay chúng cũng rất khó để dậy đúng giờ và mọi thứ của khung giờ chiều sẽ xô lệch cả, có thể đám trẻ sẽ không kịp để ăn bữa xế buổi chiều và ảnh hưởng đến dinh dưỡng thì sao? Thậm chí tôi bắt đầu nghĩ tới việc các giáo viên khác, trong đó có hiệu trưởng sẽ phàn nàn về năng lực của mình như thế nào. Điều may mắn là tôi quan sát được những luyên thuyên xa rời sự thật của tâm trí, nhưng lúc đó chính tôi cũng không biết phải xử trí ra sao. Tôi hơi nghiêm mặt lại và nói một cách rõ ràng, dứt khoát rằng: “Đã tới giờ ngủ trưa và tất cả chúng ta sẽ lấy chăn gối chứ không chơi vải”. Dĩ nhiên là chả ăn thua gì với một lũ trẻ đang nhao nhao hưng phấn đầy kích động hòng nổi loạn chống lại cô giáo.
Chính lúc tôi còn đang bối rối, thì một đồng nghiệp lớp dưới ghé vào cửa lớp. Thoáng thấy tình trạng hỗn loạn, cô bạn hiểu ngay ra vấn đề. Cô bạn đồng nghiệp xộc thẳng vào lớp và quát to. Ngay lập tức, lũ trẻ hỗn loạn im thin thít, ánh mắt cụp xuống. Cô bạn được đà, càng nhấn mạnh vào những hậu quả xảy ra của việc không ngủ trưa, kèm với đó là sự đe doạ để khiến lũ trẻ răm rắp nghe theo mình. Một số đứa đã rơm rớm nước mắt. Các con lặng lẽ đi về phía tủ, lấy chăn gối từ chỗ tôi, không nói lời nào, cun cút trải chăn gối ra và cuộn mình chìm vào giấc ngủ. Chứng kiến lớp học lặng như tờ, lũ trẻ ngoan ngoãn như những con cừu chỉ trong có 5 phút, chẳng hiểu sao tim tôi như tan vỡ.
Là một người siêu thấu cảm và dễ dàng thẩm thấu được mọi năng lượng, cảm xúc xung quanh, khoảnh khắc ấy tôi cảm nhận được sự sợ hãi chết lặng của lũ trẻ. Một số đứa cố gắng ngủ được thật nhanh, nhưng một số đứa nhạy cảm hơn thì loay hoay mãi dù cố nhắm mắt giả vờ nằm yên. Phần lớn ngủ được sau 30′, duy nhất có 1 bé thuộc nhóm siêu nhạy cảm thì tôi biết nó đã thức cả buổi trưa hôm đó, dù rằng vẫn cố nằm im và nhắm mắt. Con bé đã không hề ngủ được chút nào. Tôi nhìn vào đó và thấy hình ảnh của mình trong quá khứ.
Nhưng vấn đề vẫn không phải là chúng có ngủ được hay không, mà chúng đã chìm vào giấc ngủ trong trạng thái như thế nào: Yên bình, hạnh phúc hay lo sợ, bất an? Đó là điều làm tôi đã suy nghĩ suốt.
Các bạn có thể thắc mắc vì sao ở một trường Steiner lại có giáo viên cư xử với trẻ như vậy, trong khi triết lý giáo dục của Steiner thì hoàn toàn khác hẳn. Xin đừng trách cô ấy, bởi đơn giản ở thời điểm đó, số lượng giáo viên được đào tạo Steiner bài bản chưa nhiều. Do thiếu giáo viên nên nhà trường vẫn chấp nhận tuyển các cô mầm non ở hệ thống giáo dục truyền thống vào và đào tạo dần dần. Bản thân tôi lúc đó cũng đang trong quá trình học hỏi và được đào tạo chứ chưa rành rẽ gì. Cô bạn đồng nghiệp của tôi vẫn chủ yếu làm theo bản năng và thói quen cũ.
Tới ngày thứ hai, tình trạng vẫn không có gì khá hơn. Chính tôi, dù cố gắng để không gắt lên với trẻ nhưng cũng vô cùng khó chịu. Tôi túm lấy đứa lớn nhất tách ra một chỗ, cho con ngồi riêng một góc ở ngoài và yêu cầu nếu con không muốn ngủ thì con hãy ngồi ở ngoài này chứ không được vào trong lớp. Sau đó, dù chật vật nhưng lũ trẻ cũng đi ngủ ổn thoả. Nhưng tôi biết rằng đó vẫn không phải là cách, bởi vì cả tôi và lũ trẻ dường như vẫn đang đối đầu nhau và ở hai bên chiến tuyến đối nghịch. Tuy nhiên, chính cảm giác đối đầu này đã khiến tôi nhận ra, muốn đồng hành và dẫn dắt được trẻ, tôi cần phải đứng cùng một phe với chúng để thấu hiểu, chứ không phải đứng ở phía bên kia để ra lệnh chúng làm theo ý của mình.
Trưa hôm sau, khi kết thúc câu chuyện trước giờ đi ngủ, tôi nói cho chúng nghe rằng hồi nhỏ đôi khi có những hôm chính tôi cũng không muốn ngủ trưa và chuyện ấy là hết sức bình thường, nên nếu hôm nay, các bạn chưa muốn ngủ thì cô sẽ bày trò cho cả lớp cùng chơi. Lũ trẻ mắt sáng long lanh háo hức chờ trò chơi mới. Tôi nói cả lớp sẽ dùng mớ chăn gối đó để làm đồ chơi, nên bây giờ chúng mình sẽ đi lấy chăn gối cái đã. Rất nhanh chóng, bọn trẻ lấy chăn gối trong sự vui vẻ (và còn nhanh nhẹn hơn thường lệ vì đứa nào cũng hóng trò chơi mới).
Tôi bày cho lũ trẻ: thay vì ôm chăn gối về chỗ như bình thường thì đặt luôn chăn gối xuống và nằm ườn lên, rồi trườn người để đẩy chăn gối về khu vực ngủ của mình. Tôi làm mẫu và bảo: “Nhìn này, cô là một con sứa, cô đang bơi về nhà của mình! Chăn gối này là phần da của con sứa! Có bạn nào biết con sứa không? Nó trôi lênh đênh trong nước và hay tè dầm vì mải ngủ trong khi bơi ấy!” (Cả lớp cười rú lên). Một bạn nhỏ khác bắt đầu lăn lên chăn gối và cuốn nó về phía chỗ ngủ rồi nói: “Còn con là thuyền trưởng, con đang lái tàu về hòn đảo Ngủ!”. Tôi hùa theo: “Thế còn thuyền trưởng nào cũng muốn lái tàu về hòn đảo Ngủ như bạn không nhỉ???” Những đứa trẻ còn lại bắt đầu làm theo trong tiếng cười đùa. Lúc đó, tôi hiểu rằng chúng cảm nhận được sự đồng hành của tôi, chúng đã cho phép tôi bước vào thế giới của chúng và chào đón tôi, bởi vì chính tôi đã quy thuận chúng trước, và với sự thoải mái ấy, chúng cũng chấp nhận việc đi ngủ một cách tự nhiên.
Trưa hôm ấy, cô trò chúng tôi đã ngủ muộn hơn một chút nhưng đều chìm vào giấc ngủ trong những tiếng cười khúc khích nhỏ dần. Đầu giờ chiều, vì biết ngủ trễ nên trẻ sẽ khó dậy hơn, bên cạnh tiếng hát quen thuộc gọi chúng dậy, tôi đến bên từng đứa chưa chịu dậy vì ngái ngủ thì thầm bảo cho chúng biết rằng con là công chúa ngủ trong rừng, con đã ngủ 100 năm rồi, giờ hoàng tử đến đón con rồi đó, mau mau dậy thôi. Những đứa con gái nhoẻn miệng cười và lững thững bước vào toilet để làm công chúa sửa soạn chờ hoàng tử đến đón :))) Còn với đám con trai, tôi bảo rằng hiệp sĩ ơi, dậy đi, tiêu diệt con rồng Ngủ thôi nào, không thể để con rồng Ngủ lấn át mình như thế mãi được!
Và dĩ nhiên, chơi mãi một trò với lũ trẻ thì cũng nhàm. Suốt những ngày tháng sau này, mỗi lần chúng bắt đầu lệch nhịp, tôi đều phải nghĩ ra một trò chơi mới, một cách tiếp cận mới dựa trên sở thích, tâm lý của chúng (thậm chí là của từng đứa) để biến mọi hoạt động cần làm trở thành niềm vui và sự hứng khởi. Chính tôi cũng học được rằng ta luôn có thể biến mọi thứ thành trò chơi và học cách chơi với chúng. Thứ kỷ luật tốt nhất chính là có được cảm hứng và động lực tự thân đến từ sự vui sướng thực sự từ bên trong mình.
Quá trình bày trò cho lũ trẻ cũng giúp sự sáng tạo của tôi phát huy đến mức chính tôi cũng kinh ngạc, bởi bao nhiêu năm làm việc ở Agency quảng cáo có khi tôi cũng chưa có được nhiều ý tưởng đến thế.
Nhớ lại câu chuyện này, tôi liên tưởng đến một trong số những phần chia sẻ của Rudolf Steiner dành cho giáo viên, cha mẹ và những người chăm sóc trẻ:
“- Để dẫn dắt được một đứa trẻ cần phải chạm vào trái tim của đứa trẻ ấy. Nụ cười là một biểu hiện cho sự sẵn sàng đón nhận, mở cửa trái tim từ đứa trẻ.
– Để chạm vào được trái tim trẻ, người lớn cần:
+ Đón nhận trẻ với sự tôn kính
+ Giáo dục trẻ với sự yêu thương
+ Đưa trẻ đến với sự tự do
– Dành thời gian quan sát trẻ là việc cực kì quan trọng, cần thiết và nên được ưu tiên mỗi ngày.”
—-
Sẽ có người hỏi tôi, tại sao lại phải tìm nhiều cách như thế để đạt được cùng một mục đích (cho trẻ đi ngủ hay đánh thức trẻ dậy), trong khi chỉ cần rút roi ra là xong? Thực ra sẽ rất dài dòng để chia sẻ, vì chỉ khi chúng ta hiểu được tâm lý của trẻ, hiểu được vai trò của giấc ngủ, cách đi ngủ, cách thức dậy với trẻ thì chúng ta mới thấy đó là việc đáng để làm và dành tâm sức để bảo vệ nó một cách đúng đắn. Mà thực ra, chuyện chúng ta làm một việc gì đó đôi khi không quan trọng bằng chúng ta làm việc ấy trong tâm thế và trạng thái như thế nào? Làm trong niềm vui, sự yêu thích, hứng khởi (là tầng năng lượng cao), hay làm vì lo sợ, dằn vặt, ép buộc (tầng năng lượng thấp)? Nếu chúng ta muốn tạo ra những con người nghiện khổ với đủ các vấn đề về tâm lý, cảm xúc trong tương lai, chúng ta cứ việc mặc sức đòn roi, quát mắng. Nhưng nếu muốn xây dựng nên những con người tự do, hạnh phúc, vững vàng và an lạc, chúng ta hãy học, tìm hiểu nhiều hơn để đồng hành và hỗ trợ trẻ theo cách phù hợp nhất.
Phiêu Linh,
Nha Trang, 17/5/2023
The post Xây dựng kỷ luật cho trẻ không cần đến bạo lực (Phần 2) appeared first on Phiêu Linh Blog.