Thiền sư Thích Can Thiệp là cái tên vui tôi dành đặt cho tâm trí bản ngã lăng xăng của mình. Tết vừa rồi có một chuyện khá thú vị thế này.

Mấy ngày trước Tết, tôi đột nhiên bị đau nhức, mỏi nhừ từ cánh tay cho đến dọc bàn tay. Cơn đau nhức xuất hiện từ buổi trưa, tăng dần đến tối. Nó đau như thể tôi đã làm việc quần quần quá sức hoặc bê vác nặng thứ gì đó quá lâu, trong khi thực tế Tết tôi chỉ ăn rồi ngủ chả làm gì. Đây không phải lần đầu tiên tôi bị như vậy. Thường lâu lâu tôi tự dưng bị vậy một lần. Những lần trước cơn đau sẽ kéo dài ít nhất 2-3 ngày, bắt đầu ở 1 bên tay và sau đó bị nốt tay còn lại. Tôi được chỉ cách bấm huyệt, vận động tay, được chồng hơ ngải cứu… Đại khái sau mấy ngày thì nó đỡ.
Tôi hiểu rằng cơn đau nhức của mình đến là do sự ăn uống dư đạm và lười vận động trong thời gian dài (thường về nhà ở ngoài Bắc vào mùa đông, tôi hay lười vận động vì lạnh, lại được mẹ tẩm bổ nhiều món ngon nên cơ thể thường trì nặng), khí huyết không thông nên tắc nghẽn và gây đau nhức.
Những lần bị đau như vậy, tôi thường khó ngủ cả đêm vì cảm giác nhức mỏi rã rời. Lần này đang ăn chơi vui vẻ, bị như vậy đâm ra tôi khó chịu lắm và muốn xử lý nó càng sớm càng tốt. Tự tin với những phương pháp mà mình biết, tôi quyết định áp dụng triệt để. Tôi nhờ chồng:
- Bóp tay bằng rượu gừng để làm ấm, sấy nóng
- Ngâm chân nước ấm
- Tập động tác tay
Lúc thực hiện thì tôi cảm thấy đỡ đau nhức được một chút, mà chỉ lát sau, cơn đau nhức dâng lên trở lại. Đêm hôm đó, tôi nằm ngủ mà bứt rứt khó chịu. Tôi ngán ngẩm nghĩ đến cảnh rồi mai ngày kia thôi, cái tay còn lại sẽ đau y chang và tôi có hẳn 2 cánh tay không thể nhấc lên. Tết với nhất đến nơi, chán mịa nó luôn. Đầu óc tôi đồng thời tiếp tục lăng xăng phân tích hiện trạng đau nhức xem thực sự nó là thế nào nhỉ, vấn đề gì đang xảy ra đây, bài học nào cho mình à, mình đang không ổn ở đâu nhỉ…. Úi giời ơi nó lại càng mệt dữ tợn!
Nhưng chính lúc ấy không biết tổ tiên của tôi ai đã độ tôi. Tôi chợt nhớ ra một điều quan trọng, rằng dù tôi đã quan sát để phán đoán nguyên nhân, đã áp dụng những kiến thức, kinh nghiệm của việc chữa bệnh một cách thiệt thông minh lanh lẹ (như bản ngã của tôi tự tin), nhưng tôi đã quên mất dừng lại 1 nhịp để: Thấy chỉ thấy, nhận biết – chỉ nhận biết. Thế tức là tôi chưa thấy biết trọn vẹn, mới sớm thấy, sớm biết tôi đã sồn sồn lên để thiền sư Thích Can Thiệp thể hiện sự minh cmn triết của ngài.
“Cần phải làm gì đó. Cần phải tìm giải pháp. Cần phải xử lý. Cần hành động quyết liệt ngay lập tức. Cần chối bỏ và dẹp ngay cái trạng thái đau đớn khó chịu này.” – Thích Can Thiệp xúi giục tôi. Tất cả chúng đều đến từ những sự: Không chấp nhận hiện trạng và những gì đang xảy ra, tham cầu trạng thái dễ chịu mà mình đã quen và tự định nghĩa sự dễ chịu nghĩa phải là như vậy.
Khi nhận ra điều này, bỗng nhiên trong trái tim tôi dâng lên một sự tĩnh lặng, những thứ sồn sồn ồn ào bỗng dưng im bặt. Tôi trở lại trọn vẹn với toàn bộ thân thể mình (chứ không còn dồn hết lên đầu để nghĩ nữa). Tôi nằm thoải mái, bắt đầu cảm nhận một cách trọn vẹn cơ thể cùng cơn đau của cánh tay đang tiếp tục dâng lên. Cơn nhức mỏi dâng lên từng đợt, lúc dữ dội, lúc dịu êm. Đỉnh điểm, nó dâng lên dồn dập và đau tưởng chừng như thấu tận tim gan, nhưng chính lúc ấy, tôi lại cảm thấy sự khoan khoái, dễ chịu và sung sướng, y như một người được oà khóc thoải mái, được gào thét trong sự thấu cảm và lắng nghe vậy. Sau đợt sóng nhức nhối đỉnh điểm đó, mọi thứ rút đi êm và nhanh đến không ngờ. Tôi không còn cảm thấy đau mỏi chút nào nữa và chìm sâu vào giấc ngủ.
Sáng dậy, tôi thấy trong người khoẻ mạnh và chẳng còn bất cứ dấu hiệu nào của cơn đau mỏi khủng khiếp hôm qua.
Tôi nhớ ra rằng chẳng phải lần đầu mình chứng nghiệm sự diệu kì của quan sát tỉnh biết trọn vẹn. Đã vô số lần, vô số tình huống tôi đi qua nhẹ nhàng như thế chỉ với sự quan sát tỉnh biết trọn vẹn: Những lần đau bụng kinh, đau đầu, đau họng,… những lần đau khổ vì những sự bất như ý, dằn vặt sợ hãi, lo lắng bất an vì chuyện lọ chuyện chai… Ấy thế mà lần này tôi vẫn quên và để quán tính cũ lôi đi xềnh xệch. Nhưng có sao đâu, quan trọng là sớm nhận ra rồi phanh cái quán tính ấy lại kịp để trở về trọn vẹn với chính mình trong sự quan sát tỉnh biết.
Phiêu Linh,
Nha Trang, 14/2/2023
The post Thiền sư Thích Can Thiệp appeared first on Phiêu Linh Blog.