Hành trình “tu hú” học quan sát tâm suốt 6-7 năm qua về trạng thái cảm xúc ghét bỏ, khó chịu với một ai đó của tôi được tóm tắt lại trong bài viết này. Xin trân trọng giới thiệu bộ phim “Cánh bướm dối gian” – một sản phẩm đến từ hãng phim Tâm Trí.

Chỉ đạo sản xuất: Phiêu Linh
Diễn viên chính: Phiêu Linh
Kịch bản và đạo diễn: Phiêu Linh
Biên kịch: Phiêu Linh
Nhà phê bình: Phiêu Linh
Khán giả: Phiêu Linh
Giai đoạn 1: Ghét trong vô minh
Ghét, khó chịu vs 1 ai đó nhưng ko thấy biết đc tâm, tin rằng người đó đáng ghét thật, chả ra gì thật. Tóm lại tin vào cảm xúc mình đang có và rất có thể trong vô minh sẽ hành xử, hành động theo cảm xúc đó, hoặc để cho trạng thái ghét, khó chịu đó ảnh hưởng rất nhiều đến mình và cuộc sống của mình.
Thậm chí xa hơn, suy diễn rằng tại sao mình cứ gặp phải những người đáng ghét thế, hoặc sao người đó bình thường không thế giờ lại như vậy, khiến mình mất niềm tin vào con người quá. Sao tôi lại khổ thế này, có lẽ tôi cần học cách mặc kệ và bỏ ngoài tai tất cả bla bla… Có thể tiến hóa đến trạng thái không còn phản ứng, không còn ghét ai đó nữa vì đã chọn lờ đi tất cả, cố gắng giữ tâm bình thường (cho đỡ đau khổ =)))), dù cũng méo thực sự hiểu tâm bình thường là cái quần què gì.
Giai đoạn này mình cũng có xu hướng tự phán xét, dán nhãn cảm xúc của bản thân là “tiêu cực” và muốn thoát khỏi cảm xúc, trạng thái này càng sớm càng tốt. Thậm chí lậm vào cái gọi là “tư duy tích cực”, bám vào các lý thuyết bình an, an yên bề nổi.
=> Nếu mình chưa “tu hú”, mình sẽ quẩn quanh mãi ở giai đoạn này, dưới những hình thức và biểu hiện khác nhau, có thể tới chết vẫn thế, nên “đời là bể khổ” mà đôi khi cũng chẳng biết vì sao mình khổ, hoặc còn chẳng nhận thức được bản thân vẫn đang khổ.
Giai đoạn 2: Chuyển hoá trạng thái “ghét”, “khó chịu” một cách máy móc, khiên cưỡng
Bắt đầu hiểu hơn về cảm xúc và chữa (lợn) lành (thành lợn què) và “chấp” vào sự chuyển hóa cảm xúc. Khi ghét 1 ai đó, thay vì ghét cho trọn vẹn và thấy biết như thế, thì bắt đầu lôi lý thuyết giáo điều tiếp cận được ra:
- Thuyết phục bản thân rằng người đó có nhiều điểm tốt khác, người đó đã từng giúp mình rất nhiều, ko nên vì một hành vi, lời nói nhất thời mà ghét họ. Thậm chí phán xét bản thân rằng sao mình dám có suy nghĩ xấu như vậy, sao mình lại nỡ lòng nào ghét họ chỉ vì abc xyz…
- Lý giải cho hành động, lời nói gây khó chịu hoặc xúc phạm của họ dành cho mình bằng cách “cố gắng” hiểu và thông cảm rằng họ cũng từng có những tổn thương hoặc đang tổn thương/sợ hãi này kia abc xyz nên việc họ làm thế là đương nhiên, có thể thông cảm đc. Từ đó chuyển ghét thành thương (một cách rất lý trí và kĩ thuật).
=> toàn bộ giai đoạn 1 và 2 đều là những sự dối trá đặc biệt là rất dễ kẹt ở giai đoạn 2 vì sự dối trá đc nâng level tinh vi hơn, vì giai đoạn này cho mình cảm giác “chuyển hóa chữa lành” mí cả được làm người tốt, người biết cảm thông này kia nó phê vô cùng là phê. Hút cần phê 1 thì cảm giác được làm người tốt lại biết thấu hiểu, chuyển hóa cảm xúc nó phê 10.
Giai đoạn 3: Bắt đầu thấy biết rõ ràng hơn
Thấy biết toàn bộ giai đoạn 2 xuất hiện trở lại, nhận ra và cười như điên dại trước sự tinh vi của tâm trí. Cho phép mình ghét chỉ ghét, ghét trọn vẹn trong cảm xúc, suy nghĩ nhưng không còn dán nhãn mình tốt xấu hay hư ngoan qua việc ghét hay không ghét ai đó. Nhận biết chỉ nhận biết, không có những lời nói, hành động gì thêm để đáp trả người kia hay tự xoa dịu hoặc phán xét chính mình. Nhận biết rằng:
- Các lý thuyết chuyển hóa cảm xúc là một chuyện
- Việc người ta tốt hay ko là một chuyện
- Bây giờ mình đang ghét người đó là một chuyện
=> Không cần phải móc nối cả 3 thứ trên với nhau để xoa dịu hay “xử lý chuyển hóa” cảm xúc.
=> Cũng không cần triệt tiêu bỏ đi cái gì, cũng có nghĩa là không chấp vào cái gì cả, chỉ nhận biết chúng thôi.
Để tâm được diễn biến tự nhiên và chỉ quan sát, nhận biết, không can thiệp, tô vẽ thêm hay cố gắng xoa dịu.
Giai đoạn 4: Thấy biết trọn vẹn, trở nên trong veo
Khi ghét, biết mình đang ghét trọn vẹn, không còn thấy có sự luyên thuyên của tâm trí để bao biện hay giải thích, hay chuyển hóa theo “kĩ thuật” của giai đoạn 2 xuất hiện nữa. Cũng không còn ghét trong vô minh như giai đoạn 1 nữa.
Sau khi nhận biết và cho phép mình ghét thoải mái, trọn vẹn, sự “chuyển hóa” đến rất tự nhiên, mà thực ra là chả có cái gì chuyển hóa cả. Chỉ là cơn ghét đến trọn vẹn và đi trọn vẹn như ị đc 1 cục ra, người nhẹ nhõm, ta lại yêu đời yêu người trọn vẹn, hay đúng hơn, ta lại “bình thường” trở lại. Yêu ghét hóa ra cũng chỉ là cục cứt hay là một sản phẩm phim của bộ phim Tâm Trí, nó đến rồi đi thôi, khi ta ko cố gắng giữ cứt lại để phân tích, giải thích, dán nhãn tốt xấu đúng sai, không lậm vào phim và tin sái cổ rằng nó phải có một ý nghĩa nào đó, nó là thật và cho biết mình là ai, mình như thế nào… Tất cả vẫn chỉ là sản phẩm của bộ phim Tâm Trí thôi, thấy biết để xem cho vui và trọn vẹn, không cần né tránh, cũng không mắc kẹt
Mỗi một giai đoạn tương ứng vs một tiến trình nhận thức, nhận biết quan sát tâm. Nó đúng và phù hợp ở thời điểm mà nó xuất hiện. Nó là trải nghiệm cá nhân, và ko giống nhau ở mỗi người. Thậm chí tâm trí của chính chúng ta có thể sẽ nâng cấp hoặc biến đổi nó thành nhiều version khác. Chỉ bằng việc tiếp tục quan sát, nhận biết, chỉ nhận biết, dần dần chúng ta sẽ nâng cao năng lực “thấy ra” và phân biệt được đâu là thật đâu là phim.
Giai đoạn 5: Là gì chưa biết
Còn gì nữa không? Tạm thời chưa biết.
—
Viết ra tưng đây dòng thôi cơ mà trải nghiệm cũng bầm dập lên voi xuống chó lúc tỉnh lúc mê theo đồ thị hình sin suốt 6-7 năm qua, chứ không phải kiểu bậc thang nhận thức đi lên từng bậc cứ đi là lên vun vút đâu ạ. Trên đây là ghi chép nhanh của cá nhân, không đúng với tất cả mọi người, vậy nên các bạn đọc cho biết rồi quên đi vì mỗi người chỉ nên tự xem phim và nhận ra bộ phim tâm trí của chính mình cũng đủ vui và cười mệt rồi ạ!
Phiêu Linh,
3h sáng thức dậy tại Nha Trang, 23/5/2023
The post Hành trình quan sát tâm: Cảm xúc ghét bỏ, khó chịu appeared first on Phiêu Linh Blog.