Cơ thể của chúng ta rất dễ nhiễm và tích tụ hàn khí, bài viết này chia sẻ các cách trục hàn khí của mình để giúp cơ thể khoẻ mạnh hơn.

Người xưa thường nói : “Thập bệnh cửu hàn” (có nghĩa là trong 10 bệnh thì có 9 bệnh là do hàn – nhiễm lạnh mà ra). Điều này không chỉ đúng với người xưa, mà trong thời kì hiện đại, với máy lạnh ở khắp nơi, đồ ăn tủ lạnh nhan nhản, đồ ăn công nghiệp phổ biến, thời tiết thất thường thì nó lại càng đúng hơn nữa.
Đặc biệt, ở Việt Nam có lẽ ai ai cũng nhiễm hàn khí và mức độ chỉ là cao thấp khác nhau, đã phát hoặc chưa phát, vì ngoài các yếu tố rõ ràng kể trên thì nước mình còn nhiều… ma nữa (âm nhiều, nên chúng ta dễ nhiễm hàn). Ai không tin thì bỏ qua yếu tố này, nghe cho dzui hoy nha, vì nó cũng không quan trọng lắm. Trọng tâm là cơ thể của chúng ta rất dễ nhiễm và tích tụ hàn khí, dù biểu hiện không phải lúc nào cũng rõ ràng cho đến khi phát thành bệnh. Nhiễm hàn bên ngoài (tức là cảm giác lạnh ngay) thì còn dễ xử lý – mặc ấm là được, chứ còn nhiễm hàn sâu (nội hàn) vào bên trong xương hoặc lục phủ ngũ tạng lại khó nhận biết (vì hàn khí luồn lách vào rất nhanh và êm) lại dễ gây ra nhiều bệnh cho cơ thể. Tích tụ lâu ngày khiến thận suy yếu, cơ thể không tự sinh ra nhiệt để làm ấm và tạo năng lượng được.
Khi phát bệnh, chúng ta có thể gặp tình trạng như: ốm sốt, sổ mũi, đau họng, đau đầu hoặc lâu lâu gây nhức mỏi, tê bì chân tay, đau vùng thắt lưng, đau xương khớp, tiêu chảy, chán ăn, giảm ham muốn tình dục, dễ sổ mũi hắt xì khi thức dậy buổi sáng hoặc khi gặp lạnh, hàn khí tích tụ lâu ngày cũng có thể gây tắc nghẽn mạch máu, u cục trong người… Đặc biệt, phụ nữ nhiễm lạnh lâu ngày thì rất khó cấn thai, nếu có cũng dễ bị sảy thai vì tử cung nhiễm lạnh.
Ở mỗi người, triệu chứng sẽ khác nhau. Người dư hoả cũng vẫn có thể nhiễm hàn khí bình thường và rơi vào tình trạng âm dương rối loạn với các biểu hiện phức tạp, mỗi lúc một kiểu.
Cơ thể của chúng ta nhìn chung rất dễ nhiễm và tích tụ hàn khí.
Dưới đây là một số các nguyên nhân cơ bản:
Do thời tiết, khí hậu và vùng không gian năng lượng quá âm:
Vốn dĩ hàn là chủ khí mùa đông, nhưng với tình hình thời tiết thất thường hiện nay và lại còn là một đất nước nhiều ma như Việt Nam thì hàn khí mùa nào cũng có, nơi nào cũng có thể gặp. Trong một ngày mưa giữa mùa hè tháng 7 ta cũng dễ bị nhiễm hàn nếu vô tình dính nước mưa. Một khuya mùa hè hay sáng sớm hơi sương không giữ ấm cũng có thể là nguyên nhân khiến ta nhiễm lạnh. Hoặc giả bạn có thói quen sử dụng máy lạnh, làm việc ở văn phòng máy lạnh thì chuyện nhiễm hàn khí nó là điều quá đỗi hiển nhiên.
Do đồ ăn công nghiệp, đồ tủ lạnh
Đồ ăn công nghiệp hay đồ tủ lạnh (đồ ăn thức uống dùng khi còn lạnh) chứa rất nhiều hàn khí. Bản thân đồ ăn công nghiệp được coi là thực phẩm chết nên hầu như không có năng lượng dương ở trong đó, sử dụng trong một thời gian dài dễ gây tình trạng nhiễm hàn khí, thiếu năng lượng cho cơ thể.
Do cơ địa
Phụ nữ và đặc biệt là phụ nữ mới sinh xong càng dễ nhiễm hàn khí do bản chất năng lượng gốc âm, quá trình sinh nở phụ nữ kích hoạt và khai mở các cổng trên đầu (luân xa 7) và cổng nối đất (luân xa 1) nên các loại năng lượng – trong đó có hàn khí rất dễ đi vào. Không phải tự nhiên mà người xưa nói rằng phụ nữ sinh xong cần kiêng cữ kĩ, đi tất, trùm khăn, mặc ấm, thậm chí xông lò than để giữ ấm (và cũng là để trục hàn ra khỏi cơ thể).
Các cách trục hàn khí cơ bản theo hiểu biết và trải nghiệm của bản thân:
Theo kinh nghiệm của mình, việc trục hàn nên được tiến hành hàng tuần hoặc 2-3 lần/tuần bằng cách phối hợp tất cả các cách dưới đây (vì cơ thể của chúng ta trong cuộc sống hiện đại gần như nhiễm hàn liên tục ấy mà). Các cách này cũng cơ bản và nhìn chung nếu thực hiện với tần suất 2-3 lần một tuần nhỡ mà chẳng lợi thì cũng không gây hại gì.
Cách trục hàn bằng đường ăn uống:
Tập thói quen ăn uống đồ ấm nóng, trong đó định kỳ hàng tuần có thể có vài lần sử dụng các món hỗ trợ đẩy hàn như uống gừng nóng (tuy nhiên không nên lạm dụng gừng trong thời gian liên tục), uống trà tía tô hoặc ăn cháo lá tía tô (đối với người miền Bắc), ăn canh hương nhu (đối với người ở miền Trung và Nam) (vì lá tía tô trồng ở miền Bắc dược tính cao hơn, khử hàn hiệu quả hơn trong khi lá tía tô trồng ở miền Trung và Nam Việt Nam lại không được như vậy, thay thế bằng hương nhu sẽ phù hợp và hiệu quả hơn). Dùng đậu đen rang gừng của bách hoá Vịt Lam bán cũng phù hợp để trục hàn, vì vốn dĩ các loại ngũ cốc rang lên có tính hoả, phương pháp chế biến của sản phẩm tại Vịt Lam cũng áp dụng đúng nguyên tắc khử hàn, tránh hư hoả nên đảm bảo hiệu quả thực dưỡng cho món trà này (đây là điểm khác biệt so với trà đậu đen bán ở những chỗ khác).
Cách trục hàn bằng vận động sâu để tác động vào cơ khớp, làm ấm các huyệt:
Các bộ môn khí công, yoga (đúng nghĩa yoga chứ không phải kiểu tập gym nha), Aikido thường có khả năng tác động rất sâu vào các huyệt đạo và nhóm cơ nên ngoài chuyện hỗ trợ trục hàn bằng cách đổ mồ hôi thì nó làm ấm các huyệt và các nhóm cơ, kết hợp với hít thở sâu sẽ giúp đẩy hàn khí hiệu quả hơn nhiều so với các kiểu vận động hùng hục thông thường.
Các hình thức vận động khác (chạy, đá bóng, leo núi, gym…) có thể đem đến cảm giác đổ nhiều mồ hôi, cơ thể nhanh mệt và tiêu hao năng lượng nhưng thực chất khó tác động sâu được vào bên trong cơ thể, mặc dù trong các bộ môn này cũng đều phải áp dụng việc hít thở. Tuy nhiên, nói thế không có nghĩa là không nên tập hay chơi chúng, cái này là sở thích của mỗi người thôi. Dầu sao, có vận động đổ mồ hôi được vẫn tốt hơn không vận động rồi. Nhưng nếu có thời gian và điều kiện, bên cạnh các hình thức vận động thông thường, hãy thử tập thêm một bộ môn có tác động sâu xem sao. Cá nhân mình vẫn tập song song yoga, leo núi và bơi (hồi xưa có tập Aikido nữa mà giờ về Nha Trang tạm nghỉ rồi).
(Mình rất ưng cô giáo yoga của mình hiện tại (mình đã theo phương pháp yoga sướng sâu, buổi tập nào cũng như đi mát xa cơ thể của cô từ cách đây hơn 6 năm rồi á!). Ai quan tâm mình có thể giới thiệu tập thử xem hợp không nha (tôi không được chia hoa hồng hay tiền quảng cáo gì đâu nhé!). Tập online hoặc offline ở Sài Gòn. Mình ở Nha Trang nên hiện giờ tập online.
Cách trục hàn bằng xông hơ làm ấm:
Tức là chúng ta có thể hơ nhang ngải cứu dọc từ đỉnh đầu, đi theo gáy xuống cột sống và tới vùng xương cùng cụt, hơ từ từ để hơi nóng tác động sâu vào từng điểm, sau đó hơ lòng bàn chân, hơ các khớp chân tay… Thực hiện từ 1-2 lần/tuần sẽ thấy hiệu quả rõ ràng lắm luôn. Nhang ngải cứu rừng xịn có bán tại Bách Hoá Vịt Lam, 1 điếu rất to, chắc chắn, đốt cực kì yên tâm. Bản thân ngải cứu cũng là loại dược liệu có khả năng làm ấm cực tốt, nên nếu bận không hơ người được, cứ đốt ngải cứu một lúc để xông phòng cho ấm lên cũng rất hay.
Trong trường hợp bạn không có sẵn nhang ngải cứu, có thể dùng máy sấy tóc sấy dọc đỉnh đầu – sống lưng, lòng bàn chân và các khớp như hướng dẫn bên trên (nhiều người kị dùng máy sấy vì cho rằng nó không tốt, còn cá nhân mình thấy dùng tạm cũng vẫn được).
Nên thực hiện trước khi đi ngủ, bạn sẽ thấy giấc ngủ sâu và ngon hơn nhiều, hiệu quả tức thì luôn đó.
Ngoài ra, chúng ta cũng có thể hơ, xông bằng nước lá, trùm mền kín, hoặc ngâm chân với muối, rượu gừng… nhưng nhớ làm xong không được ra gió, ở trong phòng kín và mặc ấm từ ít nhất 1-2 tiếng trước khi ra ngoài nhé!
Sử dụng soap (xà bông), sữa tắm, nước gội đầu có tinh dầu giữ ấm:
Kể cả tắm bằng nước ấm nóng, đôi khi chúng ta cũng vẫn dễ nhiễm lạnh. Thế nên nếu chúng ta có dùng các sản phẩm tắm gội thiên nhiên có khả năng làm ấm như sữa tắm khuynh diệp, ngải cứu, xà bông gừng… thì cũng rất tốt trong việc khử hàn đấy! (Các sản phẩm này cũng có bán tại Bách Hoá Vịt Lam nhé!). Ngoài ra mình cũng thường gội đầu bằng cao thảo dược hoặc nước lá, trong quá trình gội sẽ nhúng đầu vào chậu nước nóng già rất phê, hôm nào hứng lên cho thêm vài giọt tinh dầu tính ấm như gừng hoặc khuynh diệp, ngải cứu vào thì càng hỗ trợ trục hàn tốt nè!
Thời gian ở ngoài Bắc mình rất sợ khi đông đến vì mình nhiễm lạnh, đêm là ngạt mũi, khó ngủ, tuy nhiên nhờ áp dụng các các giữ ấm và trục hàn chăm sóc cơ thể mà mình đã trải qua 2 mùa đông ngoài Bắc bình yên (trong khi hồi xưa sống bao nhiêu năm trong khổ sở). Mình cũng vượt qua mùa mưa lạnh kéo dài ở Nha Trang vừa rồi khoẻ mạnh và bình an nè . Thời gian 2 năm vừa rồi mình cũng hầu như không viêm họng, không sổ mũi cảm cúm (hồi xưa là bị hàng tuần, hàng tháng luôn ấy). Sức khoẻ của mình được cải thiện rất nhiều nhờ vào thói quen trục hàn định kì này đấy! (Ai quen lâu cũng biết hồi xưa mình dặt dẹo nhiều như thế nào, dĩ nhiên để khoẻ mạnh thì còn nhiều yếu tố khác nữa chớ không phải chỉ mỗi việc trục hàn giữ ấm, nhưng nó là cơ bản và cũng tương đối đầy đủ để chăm sóc cơ thể và sức khoẻ rồi đấy!).
Chúc mọi người chăm sóc bản thân thật tốt và yêu thương cơ thể này nhiều hơn mỗi ngày nhé!
Disclaimer: Toàn bộ những chia sẻ trên đến từ sự tìm tòi, hiểu biết, trải nghiệm và chiêm nghiệm cá nhân mình sau một thời gian dài quan sát, cảm nhận cơ thể, không phải là lời khuyên áp dụng cho tất cả mọi người. Dẫu về cơ bản là an toàn, dễ áp dụng, nhưng mọi người vẫn nên tham khảo ý kiến chuyên gia nếu cảm thấy muốn áp dụng, và quan trọng hơn cả là tự lắng nghe, quan sát cơ thể riêng có của mỗi người nhé!
Phiêu Linh,
Nha Trang, 8/2/2023
The post Cơ thể nhiễm hàn khí và các cách trục hàn cơ bản appeared first on Phiêu Linh Blog.